Chú Giải Tin Mừng Thứ Năm Tuần XX Mùa Thường Niên (Mt 22,1-14) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ NĂM TUẦN XX MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Mt 22,1-14

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Tl 11,29-33

Ta nên nhớ rằng, thỉnh thoảng Cựu ước là chứng nhân của một thời đầy khổ nhục và luân lý thời đó đôi khi quá thô lỗ. Sự mạc khải thường còn bất toàn và thần học phải được tiến triển. Những trang sách làm chúng ta gai chướng này là bằng chứng chứng tỏ rằng sách này tràn đầy sự thật: Một nền văn minh phản ánh ở đó, với cả điều tốt và điều xấu.

Giéplitê thề hứa với Chúa rằng: “Nếu Chúa trao con cái Ammon vào tay tôi, thì khi tôi từ đất con cái Ammon trở về bình an, hễ người nào ra khỏi nhà tôi và đón tiếp tôi trước hết, tôi sẽ dâng nó cho Chúa làm của lễ toàn thiêu”.

Đây không phải là đoạn văn duy nhất của Kinh thánh nói với chúng ta về việc sát tế con người. Dưới nét hãi hùng của một tập quán như vậy ẩn chứa một sự kính trọng tuyệt đối với lời đã nói, và một quan niệm đòi hỏi gắt gao về Thiên Chúa. Phần lớn những văn minh cổ đã có những tập tục đối với chúng ta là “man rợ”. Nhưng những tập quán xã hội của chúng ta có sạch hơn không? Văn minh của chúng ta lại chẳng “buông lỏng” (!) cho việc phá thai để rồi vẫn có quyền phẫn uất với việc “tế hiến trẻ em” của các Tôn giáo cổ sao.

Ông Giéplitê liền chạy sang đánh con cái Ammon, Chúa đã trao chúng trong tay ông. Ong đã đánh phá chúng … trong một trận ác liệt …

Đánh nhau, trả thù … phải, đây là phản ánh của nhân loại thường tình. Sự mặc khải của Thiên Chúa không đổi ngay các phong tục, nhưng chiếm giữ nguyên trạng, để làm cho chúng tiến triển.

Những hoàn cảnh mù mờ như thế cũng là dấu chứng tỏ rằng Thiên Chúa có thể hành động trong bất cứ khuôn mẫu xã hội nào: Du mục, quý tộc, bộ tộc, quân sự, kỹ nghệ, dân chủ, xã hội chủ nghĩa … Kinh thánh không ngừng quả quyết rằng Thiên Chúa không cam chịu sự dữ, nhưng hành động để cứu loài người khỏi những mê hoặc của họ.

Khi Giéplitê trở về nhà, người con gái duy nhất ra với hội hát trống phách đón rước ông. Khi thấy đứa con gái, ông liền xé áo mình ra.

Tác giả xưa cũng thấy gai chướng như ta, dù có sự khác biệt về văn minh. Qua đủ mọi chi tiết cảm kích, ông chứng tỏ rằng mình thông phần đau khổ với người cha đã khấn hứa thiếu khôn ngoan, và với người thiếu nữ vô tội bị hy sinh cho những mệnh lệnh của chiến tranh. Một vấn nạn như thế vẫn còn phải đặt ra.

Và chúng ta, dù giữ mọi cân bằng, lại vẫn chẳng hy sinh quá dễ dàng những người, những giai cấp xã hội và cả những đại lục, cho các mệnh lệnh kinh tế ra sao?

Cô nói lại với cha rằng: “Cha ơi, nếu cha đã khấn hứa cùng Chúa, thì cha cứ làm cho con mọi điều cha đã thề hứa, vì Chúa ban cho cha được trả thù và thắng kẻ thù của cha”.

Dầu cho nỗi bi thảm của cảnh này chúng ta có thể thán phục thái độ thiêng liêng lạ lùng, được diễn tả bằng “sự tự hiến” của cô thiếu nữ hiến đời mình … để vì tôn trọng lời hứa mà cứu dân mình không?

Con chỉ xin cha điều này: “Xin cha cho con hai tháng, để con cùng các bạn con đi quanh núi đồi mà than khóc tuổi thanh xuân của con”. Người cha đáp: “Con cứ đi”.

Nhân tính sâu xa của các chi tiết này phải được suy gẫm. Sau nỗi khốn cực của các hoàn cảnh và của người ta thường tàn ẩn một sự ưu ái thâm sâu.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con vượt qua những dáng vẻ bề ngoài để đoán được tình cảm nhân loại ẩn kính sau một vài mặt nạ.

Bài đọc II: Ed 36,23-28

Bản văn Edekien được giới thiệu hôm nay cũng được đọc trong đêm vọng Phục Sinh. Để nói lên tầm quan trọng và biểu tượng của nó về phép Thánh tẩy và cuộc sống lại.

Sấm của Giavê: “Ta sẽ tỏ sự thánh thiện của Ta … Các dân tộc sẽ nhận biết Ta là Giavê vào lúc, qua các ngươi, Ta sẽ tỏ ra Ta là Thánh trước mắt chúng”.

Đó là trách nhiệm của các tín hữu, của những người đã được Thánh tẩy.

Phải tỏ hiện sự thánh thiện của Thiên Chúa nơi họ … Họ phải là chứng nhân về sự hiện diện của Thiên Chúa.

Sấm ngôn này của Thiên Chúa đã được loan báo lần đầu tiên tại Babylon, trung tâm ngoại giáo. Giữa lòng một nền văn minh rất mật thiết đối với các ngẫu tượng thế giới, vị ngôn sứ mời gọi dân Do Thái phải làm cho người ta biết sự thánh thiện của Thiên Chúa “qua đời sống của họ”.

Giữa xã hội hiện tại của chúng ta, đang bị các thần tượng của thuyết duy vật tác hại các tín hữu, cần lặp lại bằng “đời sống” và lời cầu nguyện này: “Chớ gì danh Người được thánh hiến!”

Ta sẽ kéo các ngươi ra khỏi các dân, Ta sẽ thâu họp các ngươi từ mọi xứ, Ta sẽ đem các ngươi về lại trên đất các ngươi.

Đây là chủ đề hiệp nhất, hợp đoàn, công giáo, đại kết. Chủ đề đã gặp thấy hôm qua.

Ta sẽ rảy nước trong ngần trên các ngươi sẽ được tẩy sạch. Ta sẽ tẩy các ngươi khỏi mọi ô uế, khỏi mọi tà thần.

Kiên trì mong đợi phép thánh tẩy. “Anh em đã được tẩy rửa, được thánh hóa, nhờ danh Đức Giêsu Kitô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa” (1 Cr 6,11).

Lạy Chúa, xin thanh luyện chúng con! Xin khơi dậy lại trong chúng con sức sống của phép rửa.

Tôi thường phạm tội nào? Các ngẫu tượng của tôi là những loại nào? Tôi tin có một phép rửa để tha tội … để tiêu diệt chướng ngại đang cản trở tôi sống đích thực, cản trở tôi sống yêu thương.

Ta sẽ ban cho các ngươi một quả tim mới, đặt trong mình các ngươi một thần trí mới. Ta sẽ lấy khỏi các ngươi quả tim chai đá, và ban cho các ngươi quả tim bằng thịt.

Một công trình mang tính triệt để. Một cuộc đổi mới toàn diện, cuộc tái tạo con người mới.

Vào ngày đầu khi tạo dựng loài người, Thiên Chúa “đã thổi” Thần Khí Người vào mũi Adam. Vào ngày Phục sinh, Đức Giêsu đã “thổi hơi” trên các tông đồ. Để con người được thay hình đổi dạng sâu xa như Thiên Chúa mong ước, thì cần Người phải khởi xướng trước. Trở nên “con người mới” không thể nào thực hiện được theo các khả năng tự nhiên. “Ta” sẽ cho các ngươi … “Ta” sẽ đặt trong các ngươi … “Ta” sẽ cất khỏi …

Lạy Chúa, con muốn lưu tâm hơn nữa vì công trình lớn lao này mà Người hằng muốn thực hiện nơi con: Thay thế quả tim chai đá của con, quả tim cứng cỏi không biết yêu thương cho đủ … bằng một quả tim bằng thịt, một quả tim dễ bị tổn thương và nhạy cảm, biết yêu thương vô tận.

Ta sẽ đặt Thần trí Ta trong các ngươi.

Không gì hơn thế nữa!

Điều đó còn đi xa hơn.

Thực ra, Tân ước không thể nói gì mạnh hơn nữa. Và Đức Giêsu cũng chỉ lập lại từng tiếng một, lời khẳng định lạ lùng của Eđêkien: “Thầy sẽ gửi cho anh em Thần Khí mà Chúa Cha đã hứa” (Lc 24,49).

Thần Khí Thiên Chúa đã đổ xuống trong tâm trí chúng ta.

“Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em” (Rm 8,9).

Bấy giờ, các ngươi sẽ tuân theo các giới luật Ta, các ngươi sẽ giữ đúng các giới răn Ta và sẽ trung thành luôn mãi. Các ngươi sẽ là dân Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi.

Các ngươi sẽ hoà hợp với tôn ý và dự định của Ta, cách hồn nhiên ở nội tâm: các ngươi sẽ ở trong tình trạng giao hảo, kết hiệp.

Điều này gợi lên cho tôi tâm tình cầu nguyện nào?

BÀI TIN MỪNG: Mt 22,1-14

Trong tiến trình của Tin Mừng Thánh Mát-thêu, dụ ngôn “tiệc cưới” diễn ra ngay giữa thành Giêrusalem, chỉ vài tuần trước ngày Đức Giêsu chịu chết: Dần dần Đức Giêsu loan báo cách rõ ràng hơn, Đấng Thiên Sai sẽ bị dân được tuyển chọn đầu tiên loại bỏ và chối từ …

Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia mở tiệc cưới cho hoàng tử.

Thiên Chúa mơ ước một bữa tiệc chung cho toàn thể nhân loại … một “tiệc cưới” thực sự, bao gồm đủ loại giải trí tập thể: Tiệc tùng, múa nhảy, ca nhạc, y phục thời trang, hát xướng, vui mừng, thông hiệp.

Thiên Chúa lập gia đình cho con trai mình. Người làm lễ thành hôn cho chàng với một nàng mà chàng yêu thương: Nhân loại. Và Chúa Cha sung sướng trước mối tình của Con mình.

Đức Giêsu si mê nhân loại. Đó là một Hôn phu diệu kỳ: Mc 2,19 ; Ga 3,29 ; Mt 25 ; Mt 9,15 ; Ep 5,25 ; 2 Cr 19,29-21. 29,22-17.

Nhà vua sai gia nhân đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc.

Thiên Chúa mời. Thiên Chúa kêu gọi. Thiên Chúa đề nghị.

Đây là một hình ảnh đẹp nhất nói lên số phận của con người. Ngày nay, nhiều người không còn biết mục đích đời mình ra sao! Ta sẽ đi đâu? Tại sao ta lại sinh ra? Đời sống ta có ý nghĩa nào?

Đức Giêsu trả lời cho ta: anh em được tạo thành để “kết hiệp với Thiên Chúa” qua Thầy. Mục đích của con người, sự triển nở toàn diện của nó, chính là “tương quan với Thiên Chúa”: Yêu và được yêu! Thiên Chúa yêu anh em. Và mỗi người được mời gọi đáp lại tình yêu đó. Mọi tình yêu đích thực ở đời này là sự tiên báo, là hình ảnh, là sự chuẩn bị và dấu chỉ cho tình yêu trên, vừa huyền nhiệm, vừa phong phú hơn.

Nhưng quan khách không đếm xỉa đến, lại bỏ đi: Kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, kẻ khác còn bắt các gia nhân của Vua mà làm nhục và giết chết.

Ta sẽ xử trí ra sao khi gặp tình trạng như thế. Có tham công tiếc việc hơn là dự tiệc? Có lo đi chạy việc thay vì tới dự “tiệc của Thiên Chúa”? Cứ nằm lì trong những giới hạn của mình, trong thân phận con người rất nặng nề của ta (và các nhà tư tưởng hiện nay còn cho là rất phi lý nữa!), thay vì đi một vòng quanh vũ trụ của Thiên Chúa để hít thở thoải mái?

Nhà Vua liền nổi cơn thịnh nộ … sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng.

Mát-thêu viết những dòng này vào những năm mà đạo quân Rôma của Titô thiêu hủy thành Giêrusalem, năm 70. Những biến cố lịch sử có thể được giải thích bằng nhiều cách. Thời nào cũng vậy, với lòng tin, các ngôn sứ đều đọc lại các biến cố mà bề ngoài nguyên nhân và hậu quả của chúng có tính nhân loại. Mọi sự xảy ra, mọi biến cố xảy đến với ta, không do ngẫu nhiên. Ta nên khôn ngoan, cố tìm ra ở đó kế hoạch của Thiên Chúa … những cảnh giác mà vì thương nên Chúa đã kín đáo đặt vào đó.

Các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai thì mời hết vào tiệc cưới … và phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

Giáo-hội là một cộng đoàn hỗn hợp, pha tạp đủ mọi sắc tộc, giai cấp xã hội, là một dân gồm người tinh tuyền, thánh thiện, cũng như kẻ ác dữ, tội lỗi, một thứ vừa cỏ lùn vừa lúa miến … Thiên Chúa muốn cứu vớt mọi người. Thiên Chúa mời gọi tất cả chúng ta!

Nhưng phải mặc áo cưới, nếu không sẽ bị quăng vào nơi tối tăm.

Đề tài “y phục” đã được nói tới: Để vào Nước Thiên Chúa, cần phải “mặc lấy Đức Kitô” như Phaolô sẽ nói (Gl 3,27 ; Ep 4,24 ; Cl 3,10). “Mặc lấy con người mới”. Ơn cứu độ không phải tự động mà có: cần phải sống phù hợp với ơn của Thiên Chúa.

 

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Dụ ngôn tiệc cưới

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Ý nghĩa của dụ ngôn: vua mở tiệc cưới cho hoàng tử: Thiên-Chúa khai mở thời Mêsia cho Con Một của người nhập thể.

Gia nhân đi mời khách: là các ngôn sứ và các Tông Đồ.

Những người đã được mời trước đã không thèm đếm xỉa tới, lại còn làm nhục và giết gia nhân: đó là người Do Thái. Những người được tập hợp lại từ các ngã đường: là các dân ngoại và những người tội lỗi. Cuộc tiêu huỷ thành phố của những kẻ bất nhân: là sự tàn phá Giêrusalem sau này.

Do Thái từ khước ơn cứu độ, thì Tin-Mừng được bung ra cho khắp mọi dân.

Một chi tiết hơi lạ là gia nhân ra các nẻo đường, gặp ai bất luận tốt xấu, cũng tập hợp cả lại vào phòng tiệc. Nhưng đây chính là thái độ của Thiên-Chúa mời gọi và ban phát tình thương và cho mọi người cách vô giới hạn.

2. “Một vua kia mở tiệc cưới cho con mình”:

Đây không phải là lời mời tới dự một đám tiệc thông thường nào đó mà là đám tiệc cưới của một đức vua tổ chức cho con trai mình.

Cựu Ước đã từng hứa hẹn hôn lễ giữa Thiên-Chúa và dân Người. đồng thời Tin-Mừng đã trình bày Đức Giê Su là vị hôn phu của đám tiệc cưới được chờ mong (Mt 9,15).

Những chi tiết trên đây giúp chúng ta nhận ra: thời đại Chúa Giê-su kitô. Đấng cứu thế đến để cứu chuộc nhân loại là một bữa tiệc lớn, Thiên-Chúa cha đã tổ chức để mời gọi chúng ta vào dự tiệc cưới bằng cách gia nhập vào Hội Thánh của Chúa. được sống trong Hội Thánh để được chăm sóc và chuẩn bị vào tiệc cưới Nước-Trời quả là một niềm vui và hạnh phúc lớn lao cho chúng ta.

3. ”Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh những quan khách đã được mời trước …”:

Qua lịch sử Hội Thánh, Thiên-Chúa vẫn sai các vị Tông Đồ mời gọi chúng ta là các kitô hữu: phải hoán cải đời sống và thánh hóa bản thân để được sự sống đời đời.

4. “Nhưng họ không chịu đến…”

đây là thái độ từ chối của người kitô hữu cứng lòng, chai lì và cố chấp trong tội lỗi, trong lối sống đạo vụ hình thức, trước những lời mời gọi cảnh cáo và răn dạy của Hội Thánh trong suốt năm phụng vụ.

5. “…Này cỗ bàn ta đã dọn xong…”:

Những chi tiết này cho thấy, Thiên-Chúa đã quan phòng đủ mọi phương tiện qua Hội Thánh, để chúng ta đủ điều kiện và bảo đảm hưởng dùng cho sự sống đời đời. Có đủ điều kiện và phương tiện như vậy mà không dùng thì quả là một trọng tội.

6. “Nhưng quan khách không thèm đến xỉa tới…”:

7. Những quan khách không đáp lại lời mời gọi vì những lý do khác nhau, nhưng ở đây gom lại ba loại:

- Kẻ thì đi thăm trại: đây là hình ảnh những kitô hữu vì quá mải miết làm ăn, lo cho sự sống đời này mà sao lãng công việc lo cho sự sống đời đời. Đây là những kitô hữu hữu danh vô thực.

- Người thì đi buôn: đây là những hình ảnh của kitô hữu lo bon chen đi tìm lợi lộc thế gian về vật chất, danh vọng thú vui ở đời nên bỏ bê bổn phận làm con Chúa. đây là những kitô hữu sống đạo vụ lợi.

- Còn những kẻ khác bắt bớ các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết đi: đây là hình ảnh những kitô hữu bất trung với ơn Chúa nên đã có những hành vi độc ác bách hại Giáo Hội. Đó là những kitô hữu biến chất.

8. “Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ rồi bảo các đầy tớ đi ra các ngả đường gặp ai cũng mời hết vào dự tiệc…”:

- Đối với ơn cứu độ của Chúa, dân Do Thái từ chối, nhưng Chúa mời gọi lương dân, nghĩa là hết mọi người: không phân biệt tốt xấu, đều được mời vào dự tiệc cưới Nước-Trời, tức là hưởng ơn cứu độ của Chúa.

- Tuy bực với những quan khách từ chối nhưng nhà vua vẫn cứ tiếp tục cho mời khách đến, đặc biệt là lần này là mọi thứ khách không phân biệt Do Thái hay lương dân …điều này muốn diễn tả lòng nhân từ và tình thương của Thiên-Chúa trong việc cứu độ nhân loại. Thiên-Chúa vẫn kiên trì, nhẫn nại và tạo mọi điều kiện để cho hết mọi người được đón nhận ơn cứu độ.

9. “Này bạn bạn vào đây mà không có y phục lễ cưới…”:

Đây là chi tiết có tính cách ngụ ngôn: nó có thể vô lý theo lẽ tự nhiên, nhưng lại là việc tất nhiên trong áp dụng. Vua tiến vào phòng tiệc là lúc Thiên-Chúa tiến đến phán xét.

Nếu trong trường hợp một bữa tiệc nào ở trần gian này, thực khách không có áo cưới đó có thể bảo rằng mình không thể làm khác được bởi vì đã được mời một cách đột xuất, nhưng trong lĩnh vực ân sủng (Hội Thánh ), một người đã chịu phép rửa tội, đã sống trong Hội Thánh Chúa, không thể thưa với Chúa trong giờ chết: con không kịp mặc áo cưới…đã tin thì phải sống theo lòng tin mới được ơn cứu độ (Mt 3,8; 7,21; 13,47; 21,28…) cũng vì thế mà thực khách không có áo cưới đã “câm miệng không nói được gì!”. Áo cưới đây là đời sống lành thánh trong ơn nghĩa Chúa. sống trong Hội Thánh có đủ điều kiện để sống lành thánh, mà không sống, đó là một trọng tội không được vào tiệc cưới Nước-Trời.

9“Vì kẻ được gọi thì nhiều mà người được chọn thì ít”: có nghĩa là gọi hết mọi người, nhưng có người từ chối, nên số được chọn ít hơn số được gọi.

Lời Chúa nói đây có thể hiểu:

- Mọi người dân Do Thái đều được mời gọi tin Chúa Giê-su, mặc dù đại đa số từ chối, nhưng cũng có một ít tin và được chọn ăn tiệc trong Hội Thánh (Mt 24,22).

Nhưng nhất là lời này hiểu về trách nhiệm cá nhân của tất cả mọi người đã được phúc tin Chúa Giê-su và nhập vào Hội Thánh. Tất đều được gọi (nghĩa là nhiều người) vào Hội Thánh, nhưng chỉ ai chấp nhận trách nhiệm sống đức tin trong Hội Thánh, mới được chọn vào cuộc sống đời đời.

Điều này đòi hỏi mỗi người kitô hữu đã có đức tin thì phải sống theo đức tin mới bảo đảm được sự sống đời đời.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.